Chỉ với 150 triệu đồng, chiếc xe đua thể thức 1 tự chế của Việt Nam đang trên đường sang Nhật để tham gia FSAE (Formula Society of Automotive Engineering), một trong những cuộc thi được tổ chức bởi Hiệp hội kỹ sư ngành ô tô thế giới.
Được biết, BK LEAD đội ngũ chế tạo chiếc xe này đã đăng ký thành công giải FSAE năm nay tại Nhật với số hiệu 86. Tuy nhiên, họ vẫn còn đang gặp khá nhiều khó khăn về mặt kinh phí mặc dù đã gõ cửa một số doanh nghiệp nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Có lẽ không nên dùng chữ "tự chế" cho những sản phẩm này, vì đây là một sản phẩm được đầu tư rất nhiều bởi các bạn sinh viên cơ khí động lực trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ở đó có sự nghiên cứu bài bản từ những kiến thức chính quy, vì vậy nếu muốn gọi chiếc xe này một cách chính xác, chúng ta nên gọi nó là "Xe đua thể thức sinh viên"(student formula). Được biết chiếc xe này hiện có thể đạt tốc độ lên đến 100km/h, có nghĩa là bằng 1/3 tốc độ tối đa của một chiếc xe F1 cứng cựa ngoài trường đua.
Có thể nói đó là một bước khởi đầu rất tốt cho chiếc xe đua "Made in Vietnam" lần đầu tiên ra mắt cộng đồng thế giới. Đội xe BK LEAD đều là sinh viên nên kinh phí làm chiếc xe này được tiết kiệm tối đa, họ đã dùng lại những phụ tùng của những xe đã hết "đát", thổi hồn cho những thứ đã chết thành một cỗ máy tốc độ và dũng mãnh. Cứ như vậy, đội ngũ đã tìm kiếm những vật liệu giá rẻ thay thế nhưng vẫn đảm bảo được tốc độ, độ trơn của bánh, hệ thống khung sườn, động cơ truyền lực, hệ thống lái, hệ thống phanh, v.v..". Và sau 2 năm, chiếc xe đua F1 giá 150 triệu đã được ra đời.
10 triệu đồng cho sự bắt đầu Nếu coi chiếc xe này như một dự án startup (khởi nghiệp), thì có thể nói rằng dự án sẽ không thể thành công nếu nhóm sinh viên này không gặp được 2 "thiên thần" đầu tiên đó chính là ông Tý "Sài Gòn" (Trần Văn Tý) chủ một lò "mổ" xe phân khối lớn ở Hà Nội và thầy Bình (TS Hoàng Thăng Bình) một người đã theo sát và giúp đỡ rất nhiều trong quá trình hoạt động của họ, ông cũng là thầy giáo của Nguyễn Văn Thưởng (trưởng nhóm dự án thiết kế, chế tạo xe đua). Từ những khó khăn ban đầu, ông Tý đã rất "chịu chơi" khi quyết định cho nhóm được sử dụng một phần xưởng xe của mình, không những được tạo nhiều cơ hội làm việc tại xưởng xe của mình, nhóm sinh viên được sử dụng khá nhiều vật dụng và đồ nghề có sẵn trong xưởng để chế tạo từng chi tiết đầu tiên.
Trưởng nhóm Nguyễn Văn Thưởng ngồi lọt thỏm vào chiếc F1 vừa được hoàn thành.
Vậy là họ đã có "trụ sở" đầu tiên cho mình, một góc riêng biệt tại "lò mổ" cùng với những đặc quyền mà họ được ưu tiên khi làm việc tại đây. Nhà đã có vậy còn tiền? Ít ai có thể ngờ rằng những đồng tiền khởi nghiệp đầu tiền mà họ có được không đến từ một doanh nghiệp giàu có nào đó mà đến từ chính ông thầy giáo nghèo, đến từ niềm tin yêu mà ông đặt vào các học trò ưu tú của mình. Tuy không có nhiều tiền nhưng thầy Bình đã quyết định tặng ngay cho nhóm 10 triệu đồng và một khoảng nhỏ hàng tháng để duy trì dự án này. Có thể coi đó là một trong những nguồn động lực đầu tiên để dự án được "lăng bánh". Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Tý cho biết,"Nhiệt huyết của thầy và trò mà tôi được chứng kiến tận mắt đã đem đến cho tôi một quyết định rất nhanh: thầy Bình không giàu mà vẫn hỗ trợ được trò mình ngần ấy, tôi lại có sẵn vật liệu, phụ giúp việc kế xe của các em, sao không hỗ trợ được?"
Những điều thấy được từ những sản phẩm này
Đây tuy không phải là chiếc F1 đầu tiên tại Việt Nam nhưng BK LEAD là một trong những người đưa được sản phẩm của mình đến với thế giới. Gần đây, vẫn có khá nhiều các sản phẩm thuần Việt được biết đến dù có thành công hay thất bại. Công chúng đang dần quan tâm hơn đến những phát minh của người Việt và do chính người Việt làm ra.Những sản phẩm đình đám gần đây có thể kể đến máy bay trực thăng của Nguyễn Văn Thắng, một chiếc xe F1 khác của anh Lê Văn Huy, hay một mô hình khoa học viễn tưởng xe mô tô Batman của một tay độ xe ở Lạng Sơn, và còn nhiều nữa các sản phẩm khác mà chúng tôi không thể kể hết ra đây.
Những sản phẩm gần đây của các "nhà sáng chế" Việt Nam.
Nhưng rõ ràng những dự án này thường chỉ sẽ xuất hiện trên các mặt báo và sau đó chìm vào quên lãng, hay nói một cách khác chúng sẽ trở thành để sản phẩm để trong lồng kính và ngắm, thậm chí còn có những trường hợp tệ hơn là bị phạt lập biên bản khi họ công bố sản phẩm của mình ra công chúng. Qua đó ta thấy được, những phát minh và sáng tạo chưa thật sự nhận được những hỗ trợ cần thiết.
Ngoài ra cũng có một số ý kiến cho rằng, lý do khiến những phát minh này chưa nhận được sự ủng hộ lớn là vì chúng chưa thực sự đem lại giá trị thực tiễn, có tiềm lực thay đổi và giải quyết những vẫn đề của cộng đồng. Trong tương lai, nếu có được những chương trình tiếp sức cho các dự án này, Việt Nam chắc chắn sẽ có một sự khởi sắc về phát minh và công nghệ.